'); } //-->
Marin Cilic: Ngôi sao mới, tiềm năng cũ |
Khi là học trò của “máy giao bóng”
Lần đầu trực tiếp xem Marin Cilic là hôm anh đấu với Kevin Anderson ở vòng 3. Trận đấu diễn ra ở sân Grand Stand. Tiếng là sân lớn thứ ba ở Flushing Meadows, New York nhưng lại khá nhỏ và thấp. Cả khán đài chính của Grand Stand nằm ngay dưới một khán đài của sân Luis Armstrong.
Từ vạch cuối sân đến khán đài đằng sau sân cũng ngắn, nghe rõ tiếng thở của các tay vợt. Anderson cao 2m01, lừng lững như người khổng lồ, cái vợt trên tay như nhỏ lại chỉ bằng cái vợt bóng bàn. Marin Cilic thấp hơn, nhưng cũng cao tới 1m98.
Cilic phát bóng cực tốt trong trận chung kết US Open 2014
Hôm ấy tôi đã định không xem Cilic, vì nghĩ mấy năm gần đây anh thừa sức mạnh mà thiếu độ tinh khôn. Có vài trận đánh khá hay, từng làm Federer và Djokovic nao núng nhưng rồi sau đó đột ngột kém cỏi. Dù gì thì ở sân Arthur Ashes hùng vĩ, trận đấu của hai tay vợt nữ Maria Sharapova và Caro Wozniacki cũng đang vào hồi gay cấn.
Nhưng tôi muốn gặp Goran Ivanisevic giờ đang là HLV của Cilic. Goran là một huyền thoại của tennis Croatia, người từng làm nên lịch sử vô địch Wimbledon dù đến với giải với suất đặc cách (không đủ tiêu chuẩn của những người đứng top 100), và là tiêu biểu cho trường phái tennis Croatia, to khoẻ, đầy sức mạnh và chơi như vũ bão (Ljubicic, Dodig…).
Thế là tôi bỏ set ba trận đấu của sắc đẹp, không xem Wozniacki thắng Sharapova, chạy sang Grand Stand.
Ivanisevic ngồi dưới tôi chỉ năm hàng ghế, mặc chiếc áo phông Lacoste dựng cổ, hai tay hay chống cằm tư lự và ít khi biểu lộ cảm xúc.
Cilic hay ngước nhìn lên phía ông cả sau những đường bóng hay lẫn dở và cả những tình huống nhạy cảm để chờ lệnh có nên khiếu nại (challenge) hay không - biểu hiện của sự tin tưởng tuyệt đối.
Cả khi chưa từng bái Ivanisevic làm thày, Cilic đã làm tôi chú ý tới cú giao bóng của anh. Cái dáng cong hết người ra phía sau, thả vợt xuống dưới vai rất lỏng biến cả cơ thể anh như một cánh cung trước khi bật ngược trở lại. Nhìn cái dáng ấy nhiều lần cứ nghĩ nó là cảm hứng cho biểu tượng của Australian Open.
Nhưng quả là Ivanisevic đã giúp Cilic thay đổi rất nhiều trong cú serve. Người đứng lúc tung bóng bớt đổ về phía sau, chân đứng không còn ở thế đóng mà chân sau rút ngắn lại, nhưng người xoay ngang nhiều hơn tạo góc 120 độ với lưới thay vì hơi hướng thẳng lên phía trước. Chân anh cũng bớt khuỵu xuống quá nhiều.
Người xoay vừa lúc chạm bóng nên không bị mất lực. Các cú giao bóng của Cilic vì thế vẫn uy lực (khoảng 200-220km/h) mà có điểm rơi tốt hơn (tỉ lệ ăn điểm bóng 1 ở US Open lần này hầu hết đều trên 80%). Và sau khi đã chạm bóng rồi thì anh có thăng bằng tốt hơn và nhờ thế sớm ở tư thế sẵn sàng cho cú đánh tiếp theo.
Cả hiệu suất giao bóng hai của Cilic cũng được cải thiện khá nhiều, mà ở giải này, chỉ có trận đấu với Berdych thì hiệu suất ăn điểm bóng hai của anh mới thấp hơn 50%. Nên nhớ là một trong những tiêu chí để người ta xếp Andy Roddick vào diện giao bóng hàng đầu là nhờ các cú giao bóng hai của anh khó tấn công hơn hẳn các tay vợt khác, và một người giao bóng một không xuất sắc như Nadal vẫn rất khó bị bẻ game vì bóng hai của anh biến hoá.
Một gương mặt hơi cũ
Nhưng ấn tượng về Cilic có cách nay chừng năm bảy năm. Từ những trận đấu và các con số tích cực.
Năm 2008, ở tuổi 20, Cilic giành danh hiệu ATP đầu tiên khi vô địch ở New Haven, Mỹ sau khi đánh bại Troicki, Melzer, Andreev và Mardy Fish.
Từ đấy, Cilic mỗi năm lại công phá một cột mốc của riêng anh trên bảng xếp hạng ATP: Năm 2008 anh đứng top 50, năm 2009 vào top 20 và 2010 lọt vào top 10.
Trừ những thiên tài hay khổ luyện thành vĩ đại như Federer và Nadal, Djokovi, có lẽ bất cứ tay vợt nào cũng mơ ước được lần lượt lọt vào top những tay vợt hàng đầu thế giới sau mỗi một mùa giải.
Cilic vào đến top 10 lần đầu ở tuổi 22 đây là thành tích không phải dạng tầm thường
Có một tay vợt cùng thời với Cilic, cùng phát lộ tài năng từ lúc trẻ (hay chạm trán ở các giải ITF và gây chú ý lớn ở giải Orange Bowl được coi như Grand Slam của trẻ) là Juan Martin Del Potro. Del Potro chín sớm hơn, năm 2007 (lúc 19 tuổi) đã vào top 50, lúc 20 tuổi được tham dự Master Cup, lúc 21 tuổi đã vô địch US Open và từ đó thường xuyên đứng trong top 5 thế giới. Thế cũng là dạng hiếm.
Nishikori thì có Dự án 45 rồi 10 mà phải tới năm 25 tuổi mới vào tới top 10. Grigor Dimitrov được cho là tài năng thiên bẩm hơn, đến năm 20 tuổi vào top 20 rồi 21 tuổi (năm nay) vào top 10.
Như vậy Cilic vào đến top 10 lần đầu ở tuổi 22 không đặc biệt nhưng nhất định không phải dạng tầm thường.
Cilic thực ra đã từng giành Roland Garros trẻ năm 2005 và sau đó bước lên ngôi số 1 ITF – những sự ghi nhận cao quý nhất dành cho các tay vợt trẻ.
Nhưng khi đã lên tới top 10 chuyên nghiệp thì Cilic chững lại. Một trong những hạn chế lớn nhất của anh là thi đấu dưới khả năng (do tâm lý không vững?) và thường thua rất dễ trước các tay vợt lớn. Anh hay để Murray, Federer bắt nạt và thua Del Potro nhiều hơn là thắng. Sau cột mốc bán kết Australian Open 2010 là anh chỉ có đi xuống và thành tích tốt nhất sau đó chỉ là tứ kết US Open năm 2012.
Phải biết được hành trình của Cilic như thế mới hiểu được nhận xét của Federer sau khi thất bại cay đắng trước tay của Cilic là chí lý: Federer không bất ngờ trước sự có mặt của Nishikori ở chung kết nhưng với Cilic thì có, vì “cả nhiều năm trước đó Cilic không tạo ra được sự đột phá nào. Giờ thì cậu ấy bỗng giao bóng quá tốt và các cú quả ở cuối sân cũng rất ổn định”. Federer đã xếp Cilic vào diện tiềm năng không bao giờ biết khai thác đúng cách.
Federer thua Cilic chỉ sau ba set chứ không như Djokovic còn ăn được của Nishikori một set.
Nếu tính cả trận thắng ở bán kết nói trên thì Cilic đã có ba trận thắng giòn giã ở ba vòng cuối vì anh còn thắng cả Nishikori (chung kết) và Berdych (tứ kết) đều với tỉ số 3-0.
Thắng ba tay vợt nằm trong top 10 thế giới mà không thua set nào rõ ràng là sự chứng thực rõ nhất về sự tiến bộ của Cilic cả về cú quả lẫn tâm lý. Nhìn Cilic đè bẹp Nishikori có cảm giác như anh đã từng vào tới chung kết Grand Slam nhiều kỳ chứ không phải lần đầu.
Tương lai nào hậu US Open 2014?
Nhưng US Open dù được nhìn nhận như là sự bắt đầu một chương mới trong sự nghiệp thì Marin Cilic vẫn còn ở rất xa để với tới một vị trí top những tay vợt hàng đầu thế giới, mà nói cụ thể là trở thành sự thay thế một ai đó trong top 5 hoặc Big 4.
10 năm qua, những nhà vô địch không nằm trong nhóm Big 4 như Del Potro và Wawrinka đều chưa thể có thêm một lần nữa lọt vào chung kết Grand Slam. Del Potro sau danh hiệu US Open 2009 sa sút vì chấn thương và thiếu ổn định, còn Wawrinka vẫn mạnh khoẻ và khát khao nhưng không thể tái hiện thứ tennis đỉnh cao mà anh đã chinh phục tất cả.
Chiến thắng của Cilic trong trận chung kết hoàn toàn thuyết phục
David Ferrer và Tomas Berdych cùng có mỗi người một lần vào chung kết (và đều thua Nadal), để rồi cho tới hôm nay đó đều là cột mốc cao nhất trong sự nghiệp của họ.
Người duy nhất đứng ngoài nhóm Big 4 đã lọt vào tới hai trận chung kết Grand Slam liên tiếp là Robin Soderling (Roland Garros 2009 và 2010) không chỉ thất bại trong cả hai trận đó mà giờ đây cũng gần như đã giải nghệ (vì bệnh tật).
Thế cho nên, chiến thắng của Cilic mới chỉ góp phần tạo nên một năm bất ngờ của tennis nam thế giới khi mà hai trong số bốn Grand Slam thuộc về các tay vợt nằm ngoài nhóm Big 4 và giờ đây có tới bốn gương mặt nằm trong top 10 thế giới thuộc về thế hệ sau Federer là Raonic, Dimitrov, Nishikori và Cilic.
Hoặc là ý nghĩa đặc biệt với Croatia, đất nước nhỏ bé nhưng giờ đã có ba nhà vô địch Grand Slam. Trước Cilic là Ivanisevic như đã biết và một nhà vô địch nữ Iva Majoli (Roland Garros 2007).
Sẽ chỉ lạc quan rằng Cilic nếu cứ lao động miệt mài và đúng hướng sẽ có nhiều cơ hội để có thể giành được nhiều hơn nữa bởi khi Ivanisevic vô địch Wimbledon 2001 ông đã 30 tuổi, còn Cilic nay mới chỉ 26 và chơi năm thứ chín của sự nghiệp chuyên nghiệp.
Xem các tin khác |
COPYRIGHT © 2011 PHOENIX. ALL RIGHTS RESERVED. |